TIN CỘNG ĐỒNG

Nhiều ý kiến xung quanh việc đề nghị bỏ phí công đoàn

(Ngày đăng: 02/05/2012)

 

Nhiều ý kiến xung quanh việc đề nghị bỏ phí công đoàn

Tính toán của các chuyên gia kinh tế trong Báo cáo tác động của Luật công đoàn vừa được trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra rằng, nếu quỹ tiền lương của doanh nghiệp chiếm 20% trong cơ cấu giá thành sản phẩm, khi chi phí tiền lương tăng 2% (do trích phí công đoàn) thì giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 0,4%. Hiện, doanh nghiệp hoạt động trong những ngành có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, da giày... có chi phí nhân công chiếm 60-70% giá thành nên nếu trích quỹ công đoàn 2% sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng ít nhất là 1% - tức là tác động mạnh hơn so với việc điều chỉnh tăng giá điện vào đầu tháng 3 vừa qua.

Trong Phiên họp thứ Ba mươi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định dời việc trình Dự thảo Luật Công đoàn ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới đây, bởi hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tài chính của tổ chức công đoàn được quy định Dự thảo.

Theo Tờ trình của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Luật Công đoàn được ban hành từ năm 1990 đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Nhiều quy định không tương thích với các quy định của pháp luật hiện hành, chưa tạo được khuôn khổ pháp lý để tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả. Vai trò của công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở trong Luật Công đoàn năm 1990 rất mờ nhạt. Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được tiến hành sửa đổi toàn diện theo hướng: xác định rõ vị trí, chức năng, quyền và cơ chế bảo đảm để công đoàn thực hiện tốt chức năng của mình trong thời kỳ mới.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn. Tuy nhiên, đây là một dự án Luật khó và phức tạp. Việc giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa công đoàn là một thiết chế trong hệ thống chính trị và công đoàn trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề không đơn giản.

Ủy ban Pháp luật đề nghị, dự thảo Luật cần xác định đúng vị trí pháp lý của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới; làm rõ cơ chế hoạt động, việc bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn. Bên cạnh đó, hiện nay, đội ngũ lao động nước ta đã có những chuyển biến quan trọng cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Người lao động không chỉ gồm lao động làm công ăn lương và lao động tự do mà còn có lao động là người nước ngoài, người sử dụng lao động đồng thời cũng là người lao động...

Do vậy, dự thảo Luật cần xác định mục tiêu bảo vệ người lao động như thế nào để phù hợp với vai trò của tổ chức công đoàn trong tình hình mới; nên tập trung vào khu vực công lập, ngoài công lập hay nhóm người lao động mà quyền lợi dễ bị tổn thương nhất. Đồng thời, để người lao động gắn bó với công đoàn, dự án Luật cần làm rõ được quyền lợi của người lao động khi tham gia công đoàn và trách nhiệm của tổ chức công đoàn với thành viên của mình.

Theo quy định của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) thì một trong những nguồn thu hình thành tài chính công đoàn là kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng, bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ thu 1% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ  tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, luật hoá việc đóng phí công đoàn sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc về tài chính, bảo đảm cho công đoàn  thực hiện quyền, trách nhiệm của mình và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn toàn quốc. 

Tuy nhiên, ông Tùng cũng không biết vì sao lại quy định thu phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động mà không phải là 1% hay 3%. “Trên thế giới hiện chí có Việt Nam, Trung Quốc và vài nước khác là vẫn còn thu phí công đoàn, tuy nhiên, với Việt Nam, thu phí công đoàn là phù hợp bởi nguồn thu kinh phí công đoàn gắn với nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp đã được pháp luật quy định mang tính lịch sử từ năm 1957 đến nay”, ông Tùng bảo vệ quan điểm.  

Một số  ý kiến của các bộ, ngành cũng ủng hộ quan điểm quy định phải trích nộp kinh phí công đoàn, tuy nhiên lại kiến nghị chỉ nên quy định đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn và tính lại mức trích nộp với mức trần thấp hơn cho phù hợp với khả năng của doanh nghiệp cũng như thực tiễn hoạt động của công đoàn cơ sở và giao cho Chính phủ quy định cụ thể mức trích cho phù hợp với tình hình thực tiễn thay vì quy định cứng vào luật. 

“Cần xem lại việc trích quỹ công đoàn”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu. Theo bà Mai, nếu bắt buộc phải trích quỹ sẽ dẫn đến cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp vì hiện tại mới có khoảng 100.000 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn/400.000 doanh nghiệp đang hoạt động. “Chỉ có doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mới phải trích quỹ, đa phần còn lại không phải thêm chi phí này dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng”, bà Mai nói. 

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, việc trích quỹ công đoàn 2% tổng quỹ lương không còn phù hợp. Thứ nhất, trước đây công đoàn sử dụng phần kinh phí thu được để chăm lo mọi điều kiện cho người lao động, nhưng từ năm 1995 trở lại đây, việc chăm lo cho người lao động đã được chuyển sang Cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện nên nếu vẫn tiếp tục trích quỹ như kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động là bất hợp lý. 

Thứ  hai, kể từ năm 1999 trở lại đây lương tối thiểu liên tục được điều chỉnh tăng, mức lương tối thiểu hiện nay đã gấp hơn 6 lần thời điểm trước năm 1997, nếu vẫn tiếp tục áp dụng tỷ lệ 2% là không phù hợp. 

“Trước đây công đoàn được trích 5,7% quỹ lương nhưng chỉ cần sử dụng tối đa 1,7-2,1% quỹ lương đã thực hiện được nhiệm vụ chăm lo đời sống cho người lao động như ốm đau, thai sản, tai nạn… vì vậy nếu vẫn tiếp tục thu 2% trong khi công đoàn không còn phải làm những nhiệm vụ này nữa thì không phù hợp với thực tế”, ông Vượng phân tích. 

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu vẫn thực hiện trích quỹ công đoàn 2% quỹ lương sẽ tác động không tốt tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là  khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Tính toán của các chuyên gia kinh tế trong Báo cáo tác động của Luật công đoàn vừa được trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra rằng, nếu quỹ tiền lương của doanh nghiệp chiếm 20% trong cơ cấu giá thành sản phẩm, khi chi phí tiền lương tăng 2% (do trích phí công đoàn) thì giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 0,4%.

Hiện, doanh nghiệp hoạt động trong những ngành có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, da giày... có chi phí nhân công chiếm 60-70% giá thành nên nếu trích quỹ công đoàn 2% sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng ít nhất là 1% - tức là tác động mạnh hơn so với việc điều chỉnh tăng giá điện vào đầu tháng 3 vừa qua. 

“Vì sao mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ lương - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thuận băn khoăn - Khoản tiền doanh nghiệp đóng phí công đoàn là khoản chi gì? Thuế thì không phải, vì doanh nghiệp đã nộp thuế. Cơ sở pháp lý của khoản thu này là gì, có phù hợp không?”.  

Vẫn theo ông Thuận, ngân sách bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, ngoài khoản kinh phí được ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm, các tổ chức chính trị - xã hội khác không có khoản thu như công đoàn là không công bằng.  

“Để bảo đảm thống nhất với Luật ngân sách nhà nước cũng như sự bình đẳng giữa các tổ chức chính trị - xã hội, đề nghị Luật công đoàn chỉ quy định kinh phí hoạt động của công đoàn do ngân sách bảo đảm. Trường hợp cần doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho công đoàn thì chỉ đóng góp cho công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp một khoản kinh phí đủ cho công đoàn cơ sở hoạt động. Khoản kinh phí này có thể trích từ lợi nhuận sau thuế”, đại diện Uỷ ban Pháp luật đề xuất.


Trần Nhật
gdtd.vn

Theo Vasep



Tin khác

Bị áp thuế chống bán phá giá tôm: VASEP gửi kháng kiện lên tòa án Mỹ
Ngày 30.9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có quyết định gửi kháng kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ.… >>more

Tôm Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao: "Nhắm" vào doanh nghiệp, trúng... nông dân
Với việc ngày 19.9.2014, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định áp mức thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ ở mức cao, đã không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp rất lớn đến người nuôi tôm.… >>more

Kiến nghị bỏ quy định trích nộp 2% quỹ lương cho Công đoàn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2012. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của DN thủy sản cho rằng Dự thảo này vẫn còn bất cập, cần phải bổ sung cho phù hợp.… >>more

Hoa mắt với chi phí xuất khẩu thủy sản
Trong khi những khó khăn về vốn, nguyên liệu…chưa được tháo gỡ, các doanh nghiệp thủy sản lại đang "hoa mắt" với các loại phí kiểm soát chất lượng… >>more

Xuất khẩu thuỷ sản: Tìm thị trường mới
Từ đầu năm ngoái, việc xuất khẩu thuỷ sản sang EU khó khăn do khủng hoảng nợ công. Mỹ và các nước Nam Mỹ đang nổi lên như là những thị trường thay thế… >>more

Công văn số 1199: Hướng dẫn thuế bảo vệ môi trường
Căn cứ trên các kiến nghị của các DN Hội viên về việc miễn thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE , ngày 13/01/2012 VPHH VASEP đã có Công văn số 04/2011/CV-VASEP gửi Bộ Tài chính kiến nghị miễn thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE để bao gói hàng xuất khẩu… >>more

Doanh nghiệp vẫn khó vì lãi suất
Năm nay, dự báo tình hình sẽ còn khó khăn gấp bội phần, khi mà lãi suất - điểm tựa sinh tử của các doanh nghiệp (DN) - vẫn chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều... >>more

Xuất khẩu thủy sản đối mặt nguy cơ
Năm 2011, ngành thủy sản Việt Nam tương đối thành công khi xuất khẩu đạt hơn 6,1 tỉ USD. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng vẫn có nguy cơ bị cấm ở các thị trường trọng điểm Nhật Bản, EU, Mỹ... >>more

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật khó bứt phá
Cho dù kết thúc năm 2011, XK mực và bạch tuộc sang Nhật Bản vẫn tăng 30,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước nhưng so với các thị trường NK lớn khác, XK mực và bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản chưa được như ý... Năm 2012, có khả năng XK mực, bạch tuộc Việt Nam chỉ tăng nhẹ so với năm trước bởi nhiều DN vẫn đang lo ngại về việc thiếu hụt nghiêm trọng lượng nguyên liệu trong nước, tình trạng nhiễm kháng sinh trong các lô nguyên liệu vẫn còn diễn biến phức tạp ... >>more

Ngư dân BR-VT trước cơ hội hợp tác đánh bắt hải sản trên vùng biển Indonesia: Vừa mừng vừa lo
Sáng 13-1, Sở Ngoại vụ và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức cho bà con ngư dân tiếp xúc với Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.Hồ Chí Minh và đại diện Công ty PT. Bonni Gracia Utama để bàn việc hợp tác đánh bắt hải sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Đây là chương trình hợp tác theo ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Indonesia, mở ra cho ngư dân một hướng làm ăn mới. Tuy nhiên, lần đầu tiên tính chuyện làm ăn với nước ngoài, bà con ngư dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng ... >>more

CÔNG TY CỔ PHẦN THỦY SẢN VÀ THƯƠNG MẠI THUẬN PHƯỚC
Địa chỉ: Khu công nghiệp dịch vụ và thủy sản Thọ Quang
Điện thoại: (+84) 511 3920 920 / Fax: (+84) 511 3923 308.
Email: contact@thuanphuoc.vn