TIN CỘNG ĐỒNG
Ngư dân BR-VT trước cơ hội hợp tác đánh bắt hải sản trên vùng biển Indonesia: Vừa mừng vừa lo
Sáng 13-1, Sở Ngoại vụ và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức cho bà con ngư dân tiếp xúc với Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.Hồ Chí Minh và đại diện Công ty PT. Bonni Gracia Utama để bàn việc hợp tác đánh bắt hải sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Đây là chương trình hợp tác theo ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Indonesia, mở ra cho ngư dân một hướng làm ăn mới. Tuy nhiên, lần đầu tiên tính chuyện làm ăn với nước ngoài, bà con ngư dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Thứ bảy, 14/1/2012, 07:45 GMT+7


Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị ra khơi.


Những tàu làm nghề giã cào đôi sẽ không được khai thác trên vùng biển Indonesia.

CUỘC LÀM ĂN HỢP PHÁP

Tại buổi tiếp xúc, ông Bambang Tarsanto.S, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hai Chính phủ Việt Nam và Indonesia đã ký kết bản ghi nhớ về sự hợp tác Biển và Nghề cá vào tháng 10-2010. Đây là một bước tiến trong quan hệ ngoại giao và hợp tác phát triển giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để thắt chặt hơn nữa sự hợp tác trong khai thác, nuôi trồng và đánh bắt hải sản ở các cấp độ quốc gia, tỉnh và doanh nghiệp. Giữa hai nước đã tiến hành 4 vòng đàm phán trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và đang nỗ lực để sớm hoàn thành việc này. Trong năm 2011, đã có các đoàn viếng thăm, trao đổi về hợp tác nghề cá giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan của Indonesia. Đối với Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là lần đầu tiên bà con ngư dân được tiếp xúc với phía đối tác để tìm hiểu về cơ hội làm ăn mới.

Sáng ngày 13-1, Sở Ngoại vụ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cho bà con ngư dân được tiếp xúc với Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.Hồ Chí Minh và đại diện Công ty PT. Bonni Gracia Utama để bàn việc hợp tác đánh bắt hải sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Đây là chương trình hợp tác đánh bắt thực hiện theo ký kết hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Indonesia, mở ra cho ngư dân một hướng làm ăn mới. Tuy nhiên, lần đầu tiên tính chuyện làm ăn với nước ngoài, bà con ngư dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng.

Để triển khai chương trình hợp tác này, Chính phủ Indonesia đã cho phép Công ty PT. Bonni Gracia Utama (viết tắt là Công ty PT.Bgu), một doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản của Indonesia, được trực tiếp đứng ra làm đối tác hợp tác đánh bắt hải sản với ngư dân Việt Nam.

Tại buổi tiếp xúc, giáo sư Johannes, Đại học hàng hải và Nghề cá Indonesia, là người được Công ty PT. Bgu ủy quyền làm đại diện, cho biết Việt Nam và Indonesia có thể hợp tác với nhau trên các lĩnh vực nghề cá từ đánh bắt, nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu hai bên sẽ hợp tác trên lĩnh vực đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm. Phía đối tác Indonesia sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục xin Chính phủ Indonesia cấp phép khai thác cho tàu cá Việt Nam đánh bắt trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Indonesia. Cụ thể, ngư trường mà ngư dân Việt Nam được phép khai thác thuộc khu vực gần đảo Natuna, giới hạn từ vĩ độ 3 trở ra và kinh độ từ 105 đến 111. Từ vị trí này trở vào đảo Natuna là cấm khai thác hoàn toàn. Chi phí cho việc xin giấy phép khai thác là 40.000 USD/giấy phép có hiệu lực trong vòng 12 tháng. Chi phí này do ngư dân Việt Nam chi trả dưới hình thức ứng trước 50%, còn 50% trả sau khi đã nhận được giấy phép khai thác. Có 4 ngành nghề được phép khai thác gồm: Giã cào chiếc, lưới cảng, lưới bao – ghẹ đèn và lưới câu. Sản lượng đánh bắt được sẽ chia theo tỷ lệ 50-50 giữa ngư dân Việt Nam và Công ty PT. Bgu. Để thuận lợi cho việc đánh bắt và chủ động giao dịch với cơ quan chức năng Indonesia, mỗi tàu cá Việt Nam khai thác trên vùng biển Indonesia phải thuê 3 thuyền viên người Indonesia cùng làm việc trên tàu.

NHIỀU THẮC MẮC CHƯA ĐƯỢC LÀM SÁNG TỎ

Được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với lãnh sự Indonesia và đại diện phía đối tác về hướng làm ăn mới, bà con ngư dân có mặt tại buổi làm việc tỏ ra rất phấn khởi. Song, nhiều chủ tàu cá cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng về những vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình đánh bắt trên vùng biển của nước bạn. Ông Nguyễn Trính, Chủ nhiệm HTX đánh bắt hải sản Quyết Thắng (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) nói: “Chúng tôi là người nước ngoài không hiểu nhiều về luật lệ cũng như những quy định trong ngành nghề khai thác hải sản, an ninh trên biển của Indonesia. Mặc dù có giấy phép của Chính phủ, nhưng trong khi đánh bắt trên biển, liệu chúng tôi có gặp khó khăn gì với Hải quân và Cảnh sát biển của Indonesia không. Nếu trường hợp do chúng tôi không biết những luật lệ của nước bạn mà vi phạm thì có bị giam giữ tàu không?”.

Về vấn đề này, giáo sư Johannes cho biết, sau khi ký kết hợp tác, phía Công ty PT. Bgu sẽ tổ chức tư vấn chuyên môn và cung cấp cho ngư dân bản dự thảo những điều khoản hợp tác, trong đó nêu rõ những luật lệ, cũng như những vấn đề đáng lưu ý cho ngư dân Việt Nam. Tàu cá Việt Nam khi đã được cấp phép hoạt động sẽ treo cờ của Indonesia, nên sẽ không bị Hải quân và Cảnh sát biển bắt. Tuy nhiên, giáo sư Johannes lưu ý: “Dù đã có giấy phép nhưng tàu cá vẫn có thể bị Hải quân và Cảnh sát biển gọi hỏi. Khi đó các thuyền viên người Indonesia trên tàu sẽ chịu trách nhiệm giao tiếp. Nếu tàu cá vi phạm luật lệ, hoặc gặp rắc rối không tự giải quyết được, thì sẽ được Chính phủ can thiệp”. Giáo sư Johannes cũng thừa nhận, trước đây đã từng có những tình huống xảy ra do phía các nhà chức trách Indonesia gây khó dễ, nhưng phần lớn rơi vào các trường hợp tàu không có đủ giấy phép hợp pháp, hoặc không có thuyền viên Indonesia trên tàu nên không trình bày được cho lực lượng chức năng rõ.

Về vấn đề bảo hiểm, khi tàu cá Việt Nam tham gia hợp tác đánh bắt với PT. Bgu thì sẽ mua các loại bảo hiểm như: Bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm y tế... của Indonesia và được chi trả đầy đủ khi gặp nạn. Thế nhưng, nhiều ngư dân vẫn chưa yên tâm vì ở Việt Nam khi tàu cá gặp nạn sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ về công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Còn ở Indonesia thì không biết chính sách của chính phủ thế nào, đặc biệt đối với thuyền viên là người nước khác, liệu có dược chia sẻ khó khăn và hưởng các chính sách của nước sở tại không... Vấn đề tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hậu cần, giá cả hàng hóa, chi phí phát sinh..., cũng là những dấu hỏi lớn khiến ngư dân chưa thật yên tâm trước khi bắt tay làm ăn với đối tác.

Việc Chính phủ hai nước ký kết hợp tác đánh bắt đã mở ra cho ngư dân cơ hội làm ăn mới, nhất là trong tình hình hiện nay ngư trường khai thác hải sản Việt Nam đang cạn kiệt. Hầu hết bà con ngư dân trong tỉnh đều tỏ ra phấn khởi, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải tỏa. Hy vọng rằng, trong lộ trình hợp tác giữa hai Chính phủ mà đại diện là các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp sẽ có những thỏa thuận trên tin thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, để chương trình này được phát triển lâu dài và bền vững


Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Tin khác

Kiến nghị bỏ quy định trích nộp 2% quỹ lương cho Công đoàn
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2012. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của DN thủy sản cho rằng Dự thảo này vẫn còn bất cập, cần phải bổ sung cho phù hợp.… >>more

Hoa mắt với chi phí xuất khẩu thủy sản
Trong khi những khó khăn về vốn, nguyên liệu…chưa được tháo gỡ, các doanh nghiệp thủy sản lại đang "hoa mắt" với các loại phí kiểm soát chất lượng… >>more

Công văn số 1199: Hướng dẫn thuế bảo vệ môi trường
Căn cứ trên các kiến nghị của các DN Hội viên về việc miễn thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE , ngày 13/01/2012 VPHH VASEP đã có Công văn số 04/2011/CV-VASEP gửi Bộ Tài chính kiến nghị miễn thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE để bao gói hàng xuất khẩu… >>more

Xuất khẩu thuỷ sản: Tìm thị trường mới
Từ đầu năm ngoái, việc xuất khẩu thuỷ sản sang EU khó khăn do khủng hoảng nợ công. Mỹ và các nước Nam Mỹ đang nổi lên như là những thị trường thay thế… >>more

Doanh nghiệp vẫn khó vì lãi suất
Năm nay, dự báo tình hình sẽ còn khó khăn gấp bội phần, khi mà lãi suất - điểm tựa sinh tử của các doanh nghiệp (DN) - vẫn chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều... >>more

Xuất khẩu thủy sản đối mặt nguy cơ
Năm 2011, ngành thủy sản Việt Nam tương đối thành công khi xuất khẩu đạt hơn 6,1 tỉ USD. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng vẫn có nguy cơ bị cấm ở các thị trường trọng điểm Nhật Bản, EU, Mỹ... >>more

Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Nhật khó bứt phá
Cho dù kết thúc năm 2011, XK mực và bạch tuộc sang Nhật Bản vẫn tăng 30,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước nhưng so với các thị trường NK lớn khác, XK mực và bạch tuộc Việt Nam sang Nhật Bản chưa được như ý... Năm 2012, có khả năng XK mực, bạch tuộc Việt Nam chỉ tăng nhẹ so với năm trước bởi nhiều DN vẫn đang lo ngại về việc thiếu hụt nghiêm trọng lượng nguyên liệu trong nước, tình trạng nhiễm kháng sinh trong các lô nguyên liệu vẫn còn diễn biến phức tạp ... >>more

CÔNG TY CỔ PHẦN THỦY SẢN VÀ THƯƠNG MẠI THUẬN PHƯỚC
Địa chỉ: Khu công nghiệp dịch vụ và thủy sản Thọ Quang
Điện thoại: (+84) 511 3920 920 / Fax: (+84) 511 3923 308.
Email: contact@thuanphuoc.vn